Cần một sự tin tưởng để trẻ chia sẻ “nỗi niềm”

VHO- Trong những năm gần đây, số lượng người mắc các triệu chứng rối loạn tâm lý cần sự hỗ trợ của chuyên gia liên tục tăng nhanh, đặc biệt là từ giai đoạn phát sinh đại dịch Covid-19. Trong đó, những người bị trầm cảm chiếm tới 60% số người mắc các bệnh lý về sức khỏe tâm thần. Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, tập trung ở các em đang học từ lớp 7 - 11, tỷ lệ nam sinh và nữ sinh ngang nhau, không phân biệt điều kiện kinh tế gia đình.

Cần một sự tin tưởng để trẻ chia sẻ “nỗi niềm” - Anh 1

 Một buổi tư vấn tâm lý cho học sinh của chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền

 Trên thực tế, dù mỗi trường phổ thông đều có một cán bộ làm công tác Tâm lý học đường, tuy nhiên hầu hết đều là giáo viên kiêm nhiệm, không phải là các chuyên gia nên đa phần là chưa nhận diện kịp thời những bất ổn tâm lý của học sinh. Hầu hết các trường hợp học sinh bị các rối loạn tâm lý chỉ được phát hiện khi bệnh đã tương đối nặng.

Mới chỉ dừng ở mức phát hiện sự bất thường

Chuyên gia Nguyễn Viết Hiền, Giám đốc Công ty TNHH giáo dục OED (hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên và người lớn) cho biết, các bệnh lý về sức khỏe tâm thần của trẻ trong giai đoạn đầu không dễ nhận diện, nếu như không có sự quan tâm thường xuyên của bố mẹ và thầy cô. Đa phần các em khi đến trung tâm trị liệu đều đã ở mức độ từ trung bình đến nặng. Hầu hết các phụ huynh chỉ đưa con đi thăm khám khi có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt như mệt mỏi, lo âu, chán học, bỏ học, thậm chí là tự hủy hoại bản thân, tự sát…

Nhiều trường hợp đến các trung tâm hoặc gặp gỡ chuyên gia tâm lý với mục đích ban đầu là tham gia các khóa học kỹ năng mềm, nhưng lại được phát hiện ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần như việc không thích giao tiếp với người khác, tinh thần uể oải, có biểu hiện mất ngủ, mệt mỏi... Thậm chí, có trường hợp mẹ đưa con đi khám sức khỏe tâm thần, thì chính người mẹ cũng có biểu hiện của sự rối loạn do lo lắng đối với sự bất ổn của con trong thời gian dài. Điều đó cho thấy, ở giai đoạn đầu của các bệnh lý về tâm thần, cha mẹ và thầy cô rất khó nhận biết.

Theo quy định hiện nay, mỗi trường phổ thông đều có một cán bộ làm Tâm lý học đường. Tuy nhiên, các cán bộ này đều không được đào tạo chuyên sâu mà hầu hết chỉ qua các khóa cấp tốc vài tháng. Hiện nay, lứa sinh viên của chương trình cử nhân Tham vấn học đường đầu tiên thuộc Đại học giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) mới chỉ được đào tạo đến năm thứ 4 nên chưa có nguồn cung cho các trường phổ thông.

Vì chưa có cán bộ Tham vấn học đường được đào tạo chuyên sâu, nên mỗi trường phổ thông lại tự làm theo cách riêng. Một số trường xây dựng chương trình tham vấn học đường thông qua các buổi nói chuyện của chuyên gia tâm lý đối với phụ huynh và học sinh như Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). Có điều kiện hơn như Trường Vinschool thì ký hẳn hợp đồng với đơn vị tư vấn tâm lý chuyên nghiệp để chăm sóc sức khỏe cho học sinh, với một chương trình bài bản thông qua việc tổ chức các chuỗi hội thảo theo từng khối học sao cho phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, như hội thảo về vấn đề tẩy chay, sống thử, bạo lực… Qua đó, giúp các em nhận diện được những nguy cơ và biết cách phòng tránh.

Dù đã có khung nhưng quá trình triển khai chương trình tham vấn tâm lý học đường tại các trường phổ thông vẫn đang trong giai đoạn chưa hoàn chỉnh và mới chỉ dừng ở mức phát hiện bất thường.

Cần một sự tin tưởng để trẻ chia sẻ “nỗi niềm” - Anh 2

 Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú

Nuôi dưỡng những điều tích cực để đẩy lùi tiêu cực

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền cho rằng, mỗi đứa trẻ đều có nhiều mối quan hệ, trong gia đình như quan hệ với bố mẹ, ông bà, anh chị em; trong trường, lớp như với thầy cô, bạn bè; mối quan hệ bên ngoài với những người trong khu dân cư; thậm chí các em còn có các mối quan hệ trên mạng xã hội…

Trong gia đình, các em có thể gặp những vấn đề tâm lý như cảm thấy bố mẹ bất công vì yêu quý anh (chị, em) hơn mình, hay bị sai bảo nhiều việc hơn; ở lớp các em thấy thầy cô thiên vị bạn khác hơn mình, cảm thấy mình bị “trù dập” nên hay bị gọi trả lời câu hỏi khó dẫn đến điểm số không cao; nhiều em sau thời gian chơi với một nhóm bạn, thấy không hợp nên quan hệ bạn bè có khoảng cách, hoặc bị cô lập vì lý do nào đó.

Chuyên gia Nguyễn Viết Hiền lấy ví dụ, có trường hợp đến tư vấn vì trầm cảm trong một thời gian khá dài (2 năm) dẫn đến hành vi tự sát. Đầu năm lớp 10, em học sinh này chơi với một nhóm bạn rất thân thiết, nhưng cuối năm, các bạn thường xuyên đi xem phim, đi ăn hàng, em thấy không hợp nên không tham gia, dẫn đến bị các bạn xa lánh, tẩy chay. Có lần, các bạn bày trò nghịch ngợm, khi cô giáo vào hỏi “ai đã gây ra” thì tất cả cùng chỉ về phía em học sinh này khiến em bị cô giáo phê bình. Nhiều lần bị “chơi xỏ” nên em rơi vào tình trạng trầm cảm và tự tìm cách giải thoát bằng thuốc ngủ. Điều khiến gia đình phát hiện muộn là về nhà em vẫn luôn tỏ ra vui vẻ trước mặt bố mẹ, em chỉ hay đóng cửa phòng với lý do là cần đóng cửa để tập trung học, tránh bị làm phiền…

Theo chuyên gia Nguyễn Viết Hiền, để phòng ngừa các rối loạn tâm lý của các em, thì việc nhà trường tổ chức các CLB, hoạt động ngoại khóa có tác dụng rất tốt. Việc tham gia hoạt động âm nhạc, thể thao, dã ngoại giúp các em giải phóng những năng lượng thừa, giải tỏa mệt mỏi do áp lực học hành, giúp gắn kết tình bạn bè.

Còn theo thầy Lê Minh Quân, cán bộ tư vấn tâm lý, đồng thời là giáo viên bộ môn Tâm lý học đường của Trường THPT FPT Hà Nội, để trang bị cho học sinh kỹ năng nhận biết, xử lý khi gặp những vấn đề tinh thần, bản thân thầy luôn cố gắng giúp các em tiếp cận vấn đề tâm lý học đường một cách thực tế, nhẹ nhàng, tập trung xây dựng các kỹ năng xử lý tình huống, cân bằng cảm xúc cũng như định hướng quan điểm về đời sống tinh thần lành mạnh cho lứa tuổi học trò. Khi tư vấn tâm lý cho học sinh, thầy luôn lắng nghe nhưng không phán xét, đồng thời khéo léo đưa ra những câu hỏi gợi mở, những giải pháp phù hợp với từng trường hợp. Sau khi được tư vấn, hầu hết các bạn đều có sự thay đổi theo hướng tích cực. Nhờ đó, “phòng khám tâm lý” của thầy Quân đã trở thành một không gian an toàn, được các em tin tưởng và tìm đến san sẻ khi có nỗi niềm.

Thống kê từ UNICEF cho thấy, rối loạn sức khỏe tâm thần ở độ tuổi dưới 18 đã và đang gia tăng trong 30 năm qua. Nhà trường là nơi các em dành từ 4-8 tiếng mỗi ngày để học tập và sinh hoạt, vì vậy, việc các em có một người lớn tin tưởng ở trường để chia sẻ những vướng mắc là vô cùng cần thiết. Lứa cử nhân Tham vấn học đường đầu tiên thuộc Đại học giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chuẩn bị tốt nghiệp và các khóa tiếp theo sẽ là nguồn cung cán bộ tham vấn tâm lý học đường cho các trường phổ thông để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các em, khắc phục tình trạng cán bộ kiêm nhiệm chỉ biết qua qua. Các em đến trường không chỉ để học kiến thức, mà phải thực sự rũ bỏ được những nỗi lo sợ, bất an để khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” trở nên thực chất. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc